Truyện Zui
Đăng nhập Đăng ký

1

  1. Nhà
  2. Tất cả truyện
  3. Hôn lễ chưa trọn
  4. Chương 1
Chương sau


Vào đúng ngày cưới, Hách Mẫn lại chẳng xuất hiện.

Tôi gọi video cho anh ta, thì thấy anh ta đang mặc đồ dã ngoại, lang thang trekking ở Tây Tạng.

“Vợ à, đám cưới chỉ là hình thức thôi mà, với lại tụi mình đăng ký kết hôn từ lâu rồi.

Em sẽ không trách anh chứ?”

Ngay phía sau lưng anh ta, một cô em khóa dưới ló đầu ra.

“Chị ơi, em chỉ cá cược chơi chơi với anh Hách thôi, không ngờ anh ấy thực sự đồng ý cùng em làm một chuyến đi nói là đi là đi luôn…”

Hôm đó, tôi trở thành trò cười cho thiên hạ.

Cú sốc ấy khiến tôi mắc chứng sợ đám đông.

Hách Mẫn vội vàng quay về, cố gắng giải thích mọi chuyện.

Tôi thu mình trong góc tường, giọng nhỏ như muỗi kêu nhưng đầy kiên quyết:

“Không sao đâu, ly hôn đi.”

“Dù sao… chúng ta cũng chưa tổ chức hôn lễ.”

1.

Trên màn hình lớn, nụ cười của Hách Mẫn bị phóng to đến méo mó.

Anh ta mặc áo khoác dã ngoại, trên lưng là chiếc balo to tướng, mặt mày phơi phới nhìn vào ống kính.

“Vợ à, bất ngờ chưa? Anh đang ở Tây Tạng nè!”

Tôi mặc váy cưới, đứng cạnh MC trên lễ đài, dưới ánh mắt dồn dập của cả hội trường, toàn thân lạnh toát.

Hách Mẫn vẫn thao thao bất tuyệt, nhìn là biết anh ta đang vô cùng phấn khích.

“Vợ yêu, em sẽ không giận anh đâu nhỉ? Anh biết mà, em rộng lượng lắm.”

Tôi há miệng định nói gì đó, nhưng cổ họng như bị thứ gì chặn lại, không phát ra nổi tiếng.

Phải ho mạnh một cái, tôi mới có thể cất giọng – khàn đặc đến mức chính tôi còn chẳng nhận ra.

“Hách Mẫn, hôm nay là… ngày cưới của chúng ta.”

Anh ta nghiêng đầu, trông có vẻ vô tội.

Đó là hành động quen thuộc mỗi lần chọc giận tôi: chỉ cần nghiêng đầu, làm bộ đáng yêu là tôi sẽ nguôi giận.

Nhưng lần này, tôi chẳng tìm nổi lý do để tha thứ.

“Lễ cưới cũng chỉ là hình thức thôi mà. Mình đã đăng ký kết hôn từ trước rồi, có hay không có buổi lễ này thì mình vẫn là vợ chồng. Vợ à, tụi mình còn trẻ, trẻ thì đừng cứng nhắc quá, phải cởi mở lên chứ~”

Phía dưới vang lên những tiếng bàn tán lác đác của khách mời.

MC trên sân khấu thì đứng như trời trồng, lúng túng không biết phải làm gì.

“Hách Mẫn, hôm nay là đám cưới của chúng ta!” – tôi nhấn mạnh lần nữa.

Sắc mặt anh ta thoáng thay đổi, lộ ra chút khó chịu.

Nhưng có lẽ cũng biết mình quá đáng nên cố nhịn xuống.

Anh ta liếc nhìn ra ngoài khung hình, thở dài đầy bực bội.

“Giang Ninh, em đừng làm loạn nữa được không? Em không hỏi vì sao anh đến Tây Tạng, mà cứ bám riết chuyện anh vắng mặt ở lễ cưới, như vậy có phải hơi trẻ con không?”

Ở đầu bên kia, màn hình khẽ rung lắc theo tay cầm điện thoại của Hách Mẫn, và ngay lập tức, trên màn chiếu lớn thoáng qua một dáng người nhỏ nhắn.

Người ấy mặc áo khoác đỏ chuyên dụng, trang phục gọn gàng, đầy tính chuyên nghiệp – nhìn cái là biết kiểu dân phượt chính hiệu.

Trong đầu tôi bỗng vụt qua một cái tên: Trịnh Thiên Thư – đàn em của tôi và Hách Mẫn thời đại học.

Cô ta là một phượt thủ chính hiệu, cuồng du lịch bụi, đam mê các môn thể thao mạo hiểm, thích kiểu “xách balo lên và đi” không cần lý do.

Cô ta từng tuyên bố đã chinh phục hết những điểm đến nổi tiếng lẫn ít người biết trong và ngoài nước, thậm chí còn từng đặt chân tới những nơi hoang vu chẳng ai dám bén mảng.

Nếu là Trịnh Thiên Thư thì… đúng là có thể lý giải được.

Năm đó cô ta từng theo đuổi Hách Mẫn, nhưng anh ta đã từ chối dứt khoát.

Tôi không biết lần này họ dây dưa với nhau kiểu gì, mà lại cùng xuất hiện ở nơi xa xôi hẻo lánh này — vào đúng ngày cưới của tôi.

Như thể để xác nhận luôn suy đoán trong đầu tôi, một cái đầu nhỏ bất ngờ ló vào khung hình.

Hai cái đầu kề sát nhau, chỉ cần xoay nhẹ mặt là có thể hôn ngay.

Khuôn mặt hơi đỏ của Trịnh Thiên Thư lộ ra, cô ta cười tươi vẫy tay với tôi:

“Chào chị, sư tỷ~ Chị có nhớ em không?”

Tôi nhìn chằm chằm vào hai người họ, không nói một lời.

Trịnh Thiên Thư lại càng nghiêng người sát vào hơn, gần như sà hẳn vào lòng Hách Mẫn.

Hách Mẫn vòng tay ôm lấy cô ta theo kiểu vừa vặn: không quá thân mật, nhưng cũng chẳng giữ nổi khoảng cách.

Chính cái kiểu “có chừng mực” ấy lại càng khiến người khác tức nghẹn.

“Chị ơi~ Em chỉ đánh cược với anh Hách cho vui thôi, ai ngờ anh ấy thật sự dám đi cùng em một chuyến du lịch bụi. Nhưng chị yên tâm nha, em sẽ giúp chị canh anh ấy kỹ lắm, nhất định không để anh Hách gặp bất kỳ ‘vẻ đẹp bất ngờ’ nào dọc đường đâu!”

Hách Mẫn nhẹ vỗ đầu Trịnh Thiên Thư, giọng pha chút chiều chuộng:

“Nói linh tinh gì đấy? Anh một lòng một dạ với chị em, sao có chuyện gặp người khác mà động lòng?”

Trịnh Thiên Thư ngây ngô xoa đầu, bật cười khúc khích:

“Đúng ghê, ai mà chẳng biết anh Hách thương chị cỡ nào.”

Hai người họ cứ thế trò chuyện như chốn không người, hoàn toàn quên mất tôi đang ở đầu bên kia màn hình — trong váy cưới, giữa lễ đường đông người.

Hách Mẫn cười như được thể, nhìn về phía ống kính:

“Vậy mà chị em lại giận anh vì không đến dự lễ cưới. Này, em khuyên giúp anh cái đi.”

Trịnh Thiên Thư che miệng, ra vẻ kinh ngạc:

“Trời đất ơi, giờ còn ai tổ chức đám cưới nữa đâu? Cũ mèm quá rồi! Người ta giờ toàn cưới bằng cách đi du lịch đó nha~”

Cô ta nói xong, vội lướt mắt nhìn vào màn hình, hơi ngượng:

“Em không có ý nói chị cổ hủ đâu nha, chỉ là… chỉ là tụi em thuộc thế hệ khác á, bọn em không còn tổ chức cưới hỏi rườm rà nữa. Anh Hách cũng từng nói với em, ảnh muốn làm đám cưới kiểu du lịch nên em mới rủ ảnh đi Tây Tạng.”

“Chị à, chị đừng nghĩ ngợi nhiều, cứ coi như lần này em và anh Hách đi thám thính trước cho chị vậy. Lát em sẽ viết một bài hướng dẫn siêu chi tiết, chỗ nào nên tránh, chỗ nào check-in đẹp, để sau này hai người khỏi gặp rắc rối khi tự mình đi nha~ À thôi, không nói nữa, phía trước là cung Potala rồi, em đi chụp hình đây!”

Nói rồi, Trịnh Thiên Thư hí hửng chạy mất.

 

2.

Không còn tiếng líu lo của Trịnh Thiên Thư, cả sảnh tiệc lặng hẳn đi.

Khách mời ai nấy đều trợn tròn mắt, tay nắm chặt, nín thở theo dõi — sợ lỡ mất bất kỳ khoảnh khắc nào trong vở kịch “thế kỷ” đang diễn ra trước mắt.

Giữa không khí nghẹt thở ấy, tôi và Hách Mẫn đều im lặng.

Tôi muốn chất vấn anh ta.

Muốn hét toáng lên.

Muốn ném vỡ mọi thứ, cho anh ta cũng phải bẽ mặt trước đám đông, giống như tôi lúc này.

Nhưng tôi hận chính bản thân mình…

Tôi là kiểu người cứ xúc động là nước mắt tự trào ra.

Tôi yếu đuối, hèn nhát, chẳng thốt nổi một lời đanh thép.

Tôi đã khóc không thành tiếng, đầu óc rối tung như mớ bòng bong, đến mức không thể sắp xếp nổi một câu nói ra hồn — chứ đừng nói là đòi lại công bằng.

Hách Mẫn thở dài, giọng điệu nhẹ bẫng như thể tôi mới là người làm lớn chuyện:

“Thôi nào Ninh Ninh, đừng giận nữa mà. Anh đã gọi video rồi còn gì. Mọi chuyện đợi anh về rồi mình nói tiếp, được không? Vậy nhé, anh cúp máy đây.”

Ngay giây tiếp theo — cuộc gọi kết thúc.

Tất cả diễn ra quá nhanh, nhanh đến mức tôi chẳng kịp phản ứng.

Chẳng ai kịp phản ứng.

Từ giây phút đó, tôi đã bị đóng dấu “cô dâu bị bỏ rơi” trong mắt tất cả những người có mặt.

Ba mẹ tôi — những giáo viên đã sống cả đời thanh liêm, danh giá, chưa từng chịu nhục — nay cũng không thể giữ nổi bình tĩnh.

Ba tôi giận đến đỏ bừng mặt, tay chỉ thẳng vào cha mẹ Hách Mẫn, run giọng:

“Các, các người… đúng là quá quắt!”

Cha mẹ Hách Mẫn cũng rối như tơ vò. Họ đâu thể ngờ một lễ cưới tưởng chừng đã an bài, lại biến thành trò cười như vậy.

Ba của Hách Mẫn vốn là đồng nghiệp của ba tôi, vội vã kéo ông lại, liên tục phân trần rằng họ hoàn toàn không biết gì cả, còn hứa khi Hách Mẫn trở về nhất định sẽ bắt anh ta cho tôi một lời giải thích đàng hoàng.

Tôi thì ngồi thụp trên sân khấu, đầu óc ong ong như có tiếng sóng dội, mọi âm thanh xung quanh cứ văng vẳng xa dần — như thể cả thế giới này không còn liên quan đến tôi nữa.

Tôi đã nghĩ… hay là chết quách đi cho xong.

Chết rồi sẽ không phải đối mặt với mớ hỗn độn này nữa.

Không cần nhìn những ánh mắt thương hại, dò xét hay xì xào sau lưng.

Ngay lúc đó, một bàn tay đưa tới một gói khăn giấy.

“Lau nước mắt đi.”

Tôi ngẩng đầu lên — là anh MC vẫn đang đứng ngơ ngác nãy giờ.

Tay còn lại của anh ta đang nắm chặt một tờ giấy lau mồ hôi đã ướt đẫm.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ — có lẽ anh ta là người duy nhất ở đây thật lòng không biết chuyện.

Và bằng cách nào đó, chúng tôi đều là nạn nhân — cùng đứng trên một sân khấu mà không ai muốn bước lên như thế này.

 

3.

Hách Mẫn ở lại Tây Tạng suốt một tháng.

Trong suốt một tháng đó, tôi phát hiện mình đã mắc bệnh.

Chứng sợ đám đông.

Tôi lén tra cứu trên mạng.

Những triệu chứng liệt kê giống hệt tình trạng tôi đang trải qua, nên tôi tin chắc mình đã mắc bệnh đó.

Thậm chí… tôi còn cảm thấy nhẹ nhõm khi biết mình bệnh thật.

Bởi vì sau khi biết tôi phát bệnh, Hách Mẫn đã rút ngắn hành trình, quay về sớm — dù ban đầu anh ta dự định sẽ ở lại Tây Tạng ba tháng.

Mãi đến sau này, tôi mới biết — tôi không chỉ mắc chứng sợ đám đông.

Tôi còn bị thêm một loại rối loạn tâm lý khác, gọi là rối loạn dạng cơ thể hóa.

Và càng thấy anh ta quan tâm, tôi lại càng vô thức vin vào bệnh tật.

Hy vọng mình bệnh nặng hơn, nặng đến mức khiến anh ta không thể rời mắt.

Bệnh là cái cớ duy nhất lúc ấy, để tôi cảm thấy mình còn một chút giá trị trong mắt anh.

Nhưng tôi đâu biết — điều Hách Mẫn quan tâm chưa từng là tôi. Cũng không phải là căn bệnh của tôi.

Thứ anh ta thực sự quan tâm…

Là danh tiếng của chính mình.

Anh ta không ngờ — hôm đó, video call từ Tây Tạng lại bị chiếu thẳng lên màn hình lớn, bị toàn bộ khách mời chứng kiến từ đầu tới cuối.

Anh ta cũng không ngờ — chuyện lại lan rộng đến mức mất kiểm soát như vậy.

Chỉ sau một đêm, cái tên Hách Mẫn đã trở thành đề tài bàn tán trong mọi group bạn bè.

Ai nhắc đến anh ta cũng chỉ lắc đầu thở dài.

Và vì thế — anh cần một “bước ngoặt hình tượng”.

Một cơ hội để lấy lại mặt mũi.

Cơ hội đó… chính là việc anh ta rình rang tổ chức một “lễ xin lỗi” thật long trọng dành riêng cho tôi.

Toàn bộ nghi thức sẽ được livestream trên vòng bạn bè của anh ta.

Tất cả khách mời từng dự hôn lễ hôm trước đều sẽ được mời lại.

Mọi người đều háo hức ngóng chờ phần hai của “vở kịch đám cưới” — như thể đời tôi là một bộ phim truyền hình, ai cũng có quyền làm khán giả.

Còn Hách Mẫn thì tỏ vẻ như chẳng biết gì.

Sau bao nhiêu lời ngon tiếng ngọt, cuối cùng anh ta cũng kéo được tôi rời khỏi nhà ba mẹ.

Trên đường đi, tôi căng thẳng đến mức cứ liếc nhìn tất cả những người lạ lướt qua bên cạnh — như thể ai trong số họ cũng có thể bất ngờ rút ra một khẩu súng và bắn tôi ngay tại chỗ.

“Hách Mẫn, rốt cuộc anh định đưa em đi đâu vậy? Em thấy lo lắm… Hay là mình về nhà được không?”

Anh ta kéo tay tôi đi phía trước, chiếm vị trí dẫn đường.

Tôi bước không kịp, phải rảo chân chạy nhỏ mới theo kịp anh.

“Ây da~ Ninh Ninh, anh nói sẽ cho em một bất ngờ mà. Em cứ bình tĩnh đợi đi. Hôm nay trời đẹp như vậy, cứ ru rú trong nhà mãi em không thấy bức bối à?”

Anh ta hoàn toàn không nhận ra nỗi hoảng sợ trong tôi.

Tôi muốn nói với anh — không phải tôi không muốn ra ngoài, mà là tôi không dám.

Từ sau ngày cưới tan hoang đó, tôi bắt đầu sợ người.

Sợ đám đông.

Sợ ánh mắt dò xét, chỉ trỏ.

Sợ mình vô tình làm điều gì đó khiến người khác khó chịu, rồi lại trở thành tâm điểm bàn tán.

Nhưng nhìn thấy vẻ dửng dưng của anh, tôi lại nuốt hết những lời định nói.

Vì nói ra, anh cũng chẳng nghe.

Bỗng nhiên Hách Mẫn bước nhanh hơn, kéo tôi loạng choạng suýt ngã.

“Ta-da-da-daa~ Ninh Ninh, nhìn đằng kia kìa!”

Anh ta chỉ về phía trước, cách chừng mười mét.

Tôi nhìn theo — thì thấy Trịnh Thiên Thư đang ôm một bó hoa cực lớn, đứng giữa đám đông.

Xung quanh bắt đầu tụ lại rất nhiều người — có kẻ xem náo nhiệt, có người cầm máy quay ghi hình.

Rì rào ồn ã.

Náo động không khác gì một buổi diễn trực tiếp.

Hách Mẫn buông tay tôi ra.

Tôi theo bản năng muốn nắm lấy anh ta — như bám víu vào chút an toàn cuối cùng giữa cơn choáng váng.

Nhưng anh ta chẳng hề nhận ra.

Anh quay người, chạy thẳng đến bên cạnh Trịnh Thiên Thư, cúi xuống nhặt lên bó hoa thứ hai đặt sẵn dưới đất.

Sau đó… quay về phía tôi, quỳ một gối, đối diện với ống kính livestream:

“Cô Giang Ninh, chuyện hôm đám cưới là lỗi của anh. Xin em hãy tha thứ cho anh!”

Ngay sau đó, Trịnh Thiên Thư cũng quỳ xuống theo, lặp lại nguyên văn câu nói ấy — chẳng khác gì một tiết mục diễn tập kỹ càng.

Xung quanh vang lên tiếng reo hò cuồng nhiệt:

“Đồng ý đi! Đồng ý đi!”

“Tha thứ cho anh ấy đi!”

“Lấy anh ta đi! Lấy anh ta đi…”

Ồn ào quá.

Tôi thấy người trước mắt ngày một nhiều hơn — khuôn mặt chồng lên nhau, mờ mịt, méo mó.

Âm thanh bên tai lúc thì gần sát, lúc thì xa xăm, vỡ vụn.

Từng lời hô hào, cổ vũ… cuối cùng trong đầu tôi chỉ còn đọng lại ba chữ:

“Đi mà chết đi.”

Ba chữ đó như đè nặng lên lồng ngực, ép tôi đến mức không thở nổi.

“Hách… Mẫn…”

Tôi gọi tên anh ta.

Muốn anh ta cứu tôi.

Nhưng giọng tôi quá nhỏ, mà anh thì quá mải mê diễn cho thiên hạ xem — chẳng hề nghe thấy.

Tôi từ từ khuỵu xuống, ngồi sụp, rồi ngã nghiêng sang một bên…

Cuối cùng — mất ý thức hoàn toàn.




Chương sau
  • Trang chủ

© 2025 Madara Inc. All rights reserved

Mất mật khẩu?

Xin vui lòng nhập mật tên và địa chỉ email. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo ra một mật khẩu mới qua email.

wpDiscuz