5
10.
Tôi lao ra theo ánh đèn:
“Ông ơi! Sao khuya rồi ông còn ra đây làm gì?”
“Tiểu Tuyết, con không sao chứ?” – ông nắm lấy tay tôi, nhìn từ đầu đến chân, đôi mắt đỏ hoe.
“Không sao ạ, con không sao, ông ơi.” – tôi líu ríu trả lời, lúc đó mới nhận ra ông đang mặc… quân phục.
“Ông mặc đồ gì thế này?” – tôi ngơ ngác.
Ông buông tay tôi ra, từng bước tiến về phía trước, nhìn thẳng vào Lưu Chấn Đông:
“Lý Hiểu Mai nói Tiểu Tuyết nhà tôi sắp cưới cậu, tôi không tin.”
“Mãi đến khi bà ta nói cậu và cấp trên của con bé là bạn học thì tôi mới đi xem thử.”
“Tôi biết rõ cậu là loại người gì.”
“Không ngờ cái thằng ranh như cậu lại dám hại Tiểu Tuyết nhà tôi.”
“Nếu cậu dám đụng đến nó, thì bước qua xác tôi trước đã.”
“Tôi không có gì trong tay cả, ngoài một thân công huân này.”
“Nếu các người dám, thì cứ việc.”
“Ông ơi…” – tôi nhìn ông trong bộ quân phục với đầy huân chương, không dám tin vào mắt mình.
Bấy lâu nay ông chưa từng kể rằng mình từng đi lính.
Ông chỉ lặng lẽ làm nông, đi làm thuê, nhặt ve chai để nuôi tôi khôn lớn…
Ông thở dài, nắm tay tôi, nghẹn ngào:
“Là ông vô dụng, nên mới để con bị người ta bắt nạt.”
“Không đâu ạ… ông không sai gì hết.” – tôi nghẹn giọng.
Lúc này, thêm nhiều ánh đèn rọi tới.
Bảy tám chiếc xe đậu lại, người từ trong xe đồng loạt bước xuống.
Dẫn đầu là một người đàn ông đeo kính không gọng, đi thẳng đến trước mặt Tống Nhạn.
“Bốp!” – ông tát cô một cái.
“Lại gây chuyện gì nữa hả?”
“Mấy hôm nay không trả lời tin nhắn, hại bố với chị mày phải đích thân đến đây!”
Tống Nhạn mắt đỏ hoe, rúc vào sau lưng người phụ nữ kia.
“Biết trốn hả?” – ông ta giận dữ định lao tới nữa.
Người phụ nữ đứng chắn trước cô:
“Bố, em ấy thật sự bị người ta ức hiếp.”
Cánh tay đang giơ cao của ông lặng lẽ dừng lại giữa không trung.
Chỉ còn tiếng Tống Nhạn nức nở khe khẽ.
Lúc này, người đàn ông bắt đầu quan sát tất cả mọi người.
Đôi mắt từng trải đời quét qua đám đông như muốn xé toang mọi lớp ngụy trang.
Lưu Chấn Đông là người phản ứng đầu tiên:
“Phó… phó thị trưởng?”
Vương Đại Tráng cũng lau trán, lắp bắp:
“Tống Nhạn nói… là thật sao?”
Những người còn lại, dù cầm dùi cui, cũng sững sờ đánh rơi xuống đất.
Người đàn ông quay lại, giận dữ gầm lên:
“Điều tra! Lập tức điều tra toàn bộ!”
11.
Tôi và ông nội được đưa đến trạm tiếp đón của huyện cùng với Tống Nhạn.
Người ta tiếp đón ông nội rất long trọng.
Một bộ phận đặc biệt đến phỏng vấn ông.
Ông kể lại rành rọt những năm tháng tham chiến, cũng như cuộc sống sau đó.
Người ta gần như chắc chắn rằng, ông chính là người anh hùng thời chiến từng có trong hồ sơ nhưng đã mất liên lạc suốt mấy chục năm qua.
Khi được hỏi vì sao lại giấu kín quá khứ của mình, ông nội nói rằng làm anh hùng chẳng có gì là vinh quang.
Ông chỉ muốn trong thời bình được làm một người bình thường, sống đàng hoàng bằng chính đôi tay mình, không muốn gây phiền phức cho đất nước.
“Nếu không phải vì đứa cháu gái này… thì tôi đã định mang theo tất cả những thứ đó xuống mồ rồi…”
Một cán bộ nắm tay ông, an ủi:
“Cụ yên tâm, chúng tôi đang tiến hành điều tra toàn diện. Tuyệt đối không cho phép thứ tư tưởng lệch lạc như vậy lan rộng!”
Còn Tống Nhạn thì vừa khóc vừa kể khổ trong lúc bị trách mắng, nghẹn ngào cầu xin bố và chị gái mình:
“Cho dù con không phải con ruột của bố mẹ, thì con và Triệu Tuyết cũng không đáng bị đối xử như vậy, đúng không ạ?”
Người trong huyện có quan hệ với Vương Đại Tráng cũng lên tiếng xin xỏ, nói rằng chuyện rùm beng lên sẽ ảnh hưởng đến danh hiệu thành phố văn minh, chi bằng cứ đợi qua kỳ xét duyệt rồi tính tiếp.
Ông nội tôi ngồi thẳng lưng, nói rõ ràng:
“Hào quang bề ngoài thì chỉ cần một cơn gió cũng cuốn đi sạch.”
Phó thị trưởng cũng chịu áp lực rất lớn, nhưng vẫn kiên quyết phát biểu:
“Văn minh hiện đại không phải là việc bịt miệng dân chúng để đạt được.”
“Nếu thật sự văn minh, thì sao lại xảy ra chuyện động trời như vậy ở một xã được gắn mác văn minh?”
“Tại sao hai cô gái bị nhốt mấy ngày liền mà không có ai giúp đỡ?”
“Nếu một người không phải là con gái tôi, nếu người còn lại không có ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ thì hôm đó chuyện gì đã xảy ra với họ?”
“Dù có phải từ bỏ danh hiệu năm nay, tôi cũng phải xử lý tận gốc cái kiểu lệch chuẩn này!”
Để làm gương, Lưu Chấn Đông và Vương Đại Tráng cùng tất cả những người có liên quan đều bị đình chỉ và sa thải, sau đó mới bị đưa ra điều tra.
Ngoài những việc họ làm với tôi và Tống Nhạn, hàng loạt chuyện cũ từng bị che giấu suốt nhiều năm cũng bị phanh phui.
Một cô gái từng bị Lưu Chấn Đông hại và giờ đã làm mẹ, cũng dũng cảm đứng ra.
“Năm xưa tôi không biết kêu ai, bây giờ tôi mong pháp luật sẽ cho tôi một câu trả lời.”
Càng nhiều người từng bị họ bắt nạt thời học sinh cũng lên tiếng.
Họ bị liệt vào danh sách cảnh báo toàn thành phố, bị yêu cầu kiểm điểm công khai.
Bố của Tống Nhạn cũng đích thân đứng ra xin lỗi và tự kiểm điểm.
Còn những câu chuyện về ông nội tôi thì được truyền thông liên tục đưa tin.
Thị trấn còn xây dựng một phòng trưng bày về ông, khắc ghi những năm tháng huy hoàng ông từng trải qua.
Một tháng sau, tôi và Tống Nhạn quay trở lại làm việc tại ngân hàng.
Tôi lại xin lỗi cô ấy một lần nữa:
“Thật ra… tớ đã biết thân phận của cậu từ lâu rồi.”
Cô ấy ngạc nhiên đến sững người:
“Cái gì? Cậu thông minh vậy sao?”
Tôi cúi đầu:
“Tớ đang xin lỗi thật mà.”
Cô ấy khoát tay:
“Thôi bỏ đi. Mẹ và bố tớ ly hôn, mẹ đưa tớ về quê sống, tớ cũng sống như bao người khác thôi.”
“Cậu cho tớ ăn thêm vài bữa ở nhà cậu là tớ tha thứ rồi.”
Tôi mím môi, mắt rưng rưng.
Tan làm xong, tôi kéo ngay cô ấy về nhà.
Trên đường về, chúng tôi gặp Lý Hiểu Mai.
Bà ta đầu tóc rối bù, đi đứng loạng choạng, vừa đi vừa lảm nhảm:
“Con trai tôi đâu rồi? Các người đưa nó đi đâu rồi?”
“Nó làm ở đơn vị đấy, bao nhiêu người phải xếp hàng nhờ vả để được như nó…”
“Có phải hai con hồ ly tinh các người đã dụ dỗ con trai tôi không?”
Tôi và Tống Nhạn tránh sang một bên.
Không lâu sau, vài người mặc áo blouse trắng tới, đưa bà ấy đi viện tâm thần.
Tôi nhớ lại, lúc trước Vương Đại Tráng từng bảo sẽ không để chuyện của Lưu Chấn Đông ảnh hưởng đến công việc ở ngân hàng.
Cách mà hắn hứa là sẽ làm giấy chứng nhận tâm thần cho mẹ hắn.
Ai ngờ đúng là… nói chơi mà thành thật.
Về đến nhà, tôi và Tống Nhạn cùng chạy vào chào ông:
“Ông ơi! Tụi cháu tan làm rồi, mua ít đồ ăn về nè!”
Ông nội cười tươi, lấy ra hộp bánh ngọt mua từ phiên chợ sáng:
“Đói rồi thì ăn tạm mấy cái bánh cho đỡ.”
“Tụi cháu cảm ơn ông nha.” – tôi vừa ăn vừa nói.
Tống Nhạn cũng học theo tôi:
“Ông ơi, ông đúng là tuyệt vời!”
-Hết-