1
Hôm đó, tôi dắt cháu đi dạo phố, tiện tay mua một tờ vé số.
Tối hôm sau, kết quả được công bố – tôi trúng hai mươi triệu tệ!
Hoảng hốt trong vài giây, tôi lập tức chạy về phòng ngủ định báo tin vui cho chồng.
Nhưng vừa đến cửa, tôi lại nghe thấy mẹ chồng và chồng đang tranh cãi:
“Con dâu sinh con gái, lại còn không chịu sinh thêm đứa nữa. Hai đứa cứ bám lấy căn hộ gần trường học thì có ích gì đâu? Chi bằng sang tên cho em trai con, để con trai nó còn có cơ hội học trường tốt.”
Tôi định mở cửa vào nói cho ra lẽ thì lại nghe chồng đồng ý.
1.
Tôi tên là Sở Dĩ, đã kết hôn với chồng tôi– Chu Hạo – được 5 năm.
Những năm đầu sau cưới, cả hai chúng tôi đều bận rộn sự nghiệp, chưa vội sinh con.
Mãi đến năm ngoái, chúng tôi mới có một bé gái.
Tháng này, mẹ chồng lấy cớ lên trông cháu mà đến nhà ở tạm.
Bà không ít lần bóng gió hỏi tôi khi nào định sinh đứa thứ hai.
“Mẹ à, Bối Bối mới tròn một tuổi, mẹ nói chuyện đó có sớm quá không? Với lại cả con và A Hạo đều không còn trẻ, mang thai bây giờ cũng rủi ro lắm.”
Tôi vẫn nghĩ mẹ chồng là người yêu trẻ, vì cả năm nay bà vẫn hay qua lại thăm cháu, chăm cháu cũng rất nhiệt tình.
Cho đến tối hôm nay, khi tôi đi đổ rác…
Trong thang máy, tôi tiện tay tra kết quả xổ số ngày hôm nay.
Khi kiểm tra đến con số cuối cùng, tay tôi đã bắt đầu run lên.
Trúng rồi!
Tôi thực sự trúng giải độc đắc!
Tổng cộng 22 triệu 580 nghìn tệ!
Sau thuế vẫn còn lại hơn 18 triệu tệ!
Số tiền khổng lồ này đủ để cả nhà ba người chúng tôi đổi sang căn hộ lớn hơn, thậm chí có thể mua thêm một căn nữa để đón ba mẹ chồng lên sống cùng.
Tôi vừa bất ngờ vừa mừng rỡ đến nỗi toát mồ hôi, gần như không tin nổi vào mắt mình.
Hoảng hốt trong vài giây, tôi lập tức chạy về nhà để chia sẻ tin vui với chồng.
Nhưng vừa tới cửa phòng ngủ, tôi đã khựng lại.
“Tiểu Hạo, không phải mẹ nói chứ, nhà hàng xóm bên kia vì muốn có cháu trai mà sinh đến đứa thứ ba. Nếu không phải con cứ đảm bảo đứa đầu của Sở Dĩ là con trai thì mẹ đâu có đồng ý cho nó sinh.”
Tôi sững sờ.
Lúc tôi mang thai, mẹ chồng từng nhiều lần thúc ép chồng đưa tôi về quê khám thai ở một phòng khám tư.
Khi đó tôi chỉ nghĩ bà lo lắng vì tôi có thai muộn.
Không ngờ bà lại âm thầm sắp xếp người quen để kiểm tra giới tính thai nhi.
Đây là lần đầu tiên tôi nhận ra, người mẹ chồng mà tôi từng nghĩ yêu thương cháu vô điều kiện, hóa ra cũng cổ hủ, phân biệt giới tính nặng nề đến vậy.
Chu Hạo đáp lại bằng giọng thờ ơ:
“Khám ở phòng khám tư sai số cũng bình thường thôi.”
Mẹ chồng thì giận đùng đùng:
“Mẹ vốn định để năm nay hai đứa sinh thêm một đứa con trai, ai ngờ Sở Dĩ cứ chần chừ mãi.”
“Bây giờ tâm trí cô ấy đều đặt hết vào Bối Bối. Hơn nữa con bé mới đầy năm, không muốn sinh tiếp cũng là bình thường thôi mà. Đợi vài năm nữa con lại bàn với cô ấy sau.” – Chu Hạo dỗ dành quen miệng.
May là chuyện con cái, anh ta vẫn còn tôn trọng ý kiến tôi.
Nhưng mẹ chồng thì lại không hài lòng:
“Bàn gì mà bàn, chuyện lớn như vậy lẽ ra nó phải nghe lời con chứ.”
Một lúc sau, thấy Chu Hạo không trả lời, mẹ chồng đổi giọng:
“Mẹ cũng không ép hai đứa sinh thêm con nữa. Nhưng con cũng biết đấy, con trai em trai con vài năm nữa là đi học rồi.”
“Nó là độc đinh của nhà họ Chu mình đấy! Ai cũng nói phải cho cháu học trường tốt từ nhỏ, con cũng biết đấy, trường ở quê thì chất lượng kém quá.”
“Mẹ nghe hàng xóm bảo căn hộ con và Sở Dĩ đang ở là nhà gần trường trọng điểm trong thành phố, chi bằng sang tên căn nhà này cho em trai con đi, để Bảo Bảo lên đây học.”
“Dù tiền cọc nhà là của con, nhưng tên trên sổ đỏ là của cả hai vợ chồng. Mỗi tháng trả góp là do con và Sở Dĩ cùng gánh, thậm chí phần nhiều là cô ấy trả. Cô ấy chắc chắn sẽ không đồng ý đâu.” – Chu Hạo trả lời rất bình tĩnh.
“Thì mẹ cũng đã tìm hiểu rồi. Chỉ cần Sở Dĩ ký giấy ủy quyền, lúc làm thủ tục chuyển nhượng nó không có mặt cũng không sao. Con đừng nói rõ là sang tên nhà, cứ tìm cách dụ nó ký tên trước, đến khi xong xuôi rồi mới cho nó biết.”
“Nhưng mà mấy năm nữa Bối Bối đi học thì sao?” – Chu Hạo lại hỏi.
“Con và Sở Dĩ còn tiền mà, đến lúc đó hai đứa mua căn khác cũng được. Căn này cứ để cho em trai con ở. Nó giờ chẳng có công việc tử tế, sống đã đủ khổ rồi, nếu không có nổi một căn nhà đàng hoàng thì cuộc sống sao mà tiếp tục được nữa.”
Chu Hạo trầm ngâm một lúc rồi không đáp.
Mẹ chồng lại tiếp tục:
“Con là anh, chẳng phải nên lo cho em trai và cháu mình sao? Mẹ với ba con đã vất vả nuôi con bao năm. Hồi đó nhà không có tiền, em con mới phải nghỉ học để dành tiền cho con đi học. Bây giờ con có gia đình rồi là không nghe lời mẹ nữa đúng không?”
Tôi cảm thấy lời mẹ chồng nói thật quá phi lý.
Trước đây, tôi từng nghe Chu Hạo nói rằng em trai anh ấy nghỉ học là vì học không giỏi, không thi đỗ cấp ba, chứ đâu phải vì nhường cơ hội cho anh.
Vậy mà giờ đây, mẹ chồng lại đổ hết lỗi lên đầu Chu Hạo.
Tôi thấy việc này quá vô lý, định đẩy cửa vào nói cho ra lẽ, thì bất ngờ nghe Chu Hạo lên tiếng đồng ý.
“Mẹ à, vậy mẹ đừng nói với Sở Dĩ vội. Vài hôm nữa cô ấy đi công tác đến Ninh Thị, đến lúc đó mẹ bảo em lên đây, con dẫn nó đi làm thủ tục sang tên.”
Lời của Chu Hạo khiến tôi chết lặng.
Tôi vội nhét vội tờ vé số trúng thưởng vào túi áo ngủ, giả vờ như không nghe thấy gì rồi bước vào nhà tắm.
Lúc tôi bước ra, mẹ chồng đã quay về phòng mình.
2.
Suốt đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi vẫn cố gắng giữ chút hy vọng vào Chu Hạo.
Tôi tự an ủi rằng liệu có phải anh ấy chỉ đang nói vậy để dỗ cho mẹ chồng yên tâm?
Trước khi đi ngủ, tôi thử thăm dò:
“Hôm qua em dẫn Bảo Bảo đi mua đồ, thằng bé nói muốn lên thành phố này học tiểu học. Em trai anh có nói gì với anh không?”
Chu Hạo thoáng sững người, nhưng rất nhanh đã lấy lại vẻ bình thường, trả lời thản nhiên:
“Trẻ con ấy mà, nói bừa thôi, nó biết gì đâu.”
Tôi không hỏi thêm nữa.
Nghĩ đến chuyện trước đây anh ta lúc nào cũng nghe lời mẹ, lại hết lòng vì em trai, tôi chỉ thấy lạnh lòng.
Thật ra, nếu chỉ xét riêng chuyện căn nhà thì với gần hai mươi triệu sắp có, tôi chẳng cần bận tâm đến nó.
Nhưng đây là nhà cưới của chúng tôi.
Lúc mua nhà, Chu Hạo chỉ trả được hai mươi phần trăm tiền cọc vì không có tiền.
Những năm qua, thu nhập của tôi cao hơn anh, phần lớn tiền trả góp cũng là tôi bỏ ra.
Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi đã thấy cả người run lên vì giận.
Sáng hôm sau, tôi xin nghỉ nửa ngày.
Tôi ra chợ mua một bộ đồ rẻ tiền, rồi đội mũ, đeo khẩu trang kín mít, che chắn kỹ càng để đi nhận thưởng.
Tôi quyết định tạm thời không nói với ai chuyện mình trúng số.
Sau khi nhận tiền xong, tôi quay lại công ty đi làm như bình thường.
Tối về, Chu Hạo đưa tôi một bản hợp đồng, nói:
“Công ty anh đang làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh, cần chứng minh tài sản cố định. Em ký giúp anh một cái.”
Anh biết tôi luôn tin tưởng anh, những văn bản anh đưa tôi xưa giờ tôi rất ít khi đọc kỹ.
Tôi cũng không muốn làm anh nghi ngờ, nên giả vờ không biết gì, cầm bút lên ký luôn.
Tôi biết, bây giờ chưa phải lúc để vạch mặt anh.
Một khi xảy ra mâu thuẫn lớn, chúng tôi sẽ ly hôn.
Lúc đó chia tài sản là điều không tránh khỏi, và chuyện tôi trúng số chắc chắn sẽ bị lộ.
Nhưng tôi hiểu, Chu Hạo sẽ không thể nhanh chóng sang tên căn nhà.
Vì căn nhà đó vẫn còn nợ hơn tám trăm nghìn tệ tiền vay ngân hàng.
Muốn giao dịch hay chuyển nhượng nhà, bắt buộc phải thanh toán toàn bộ khoản vay trước.
Những năm gần đây, sự nghiệp của cả hai chúng tôi đã khá hơn, cũng tiết kiệm được một khoản tiền – số tiền đó vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng của tôi.
Chu Hạo biết mật khẩu thẻ, nhưng mỗi lần muốn dùng đến tiền, anh đều nói trước với tôi.
Đó cũng là lý do suốt bao năm qua tôi luôn tin tưởng anh ta.
3.
Nửa tháng sau, tôi đi công tác.
Trước lúc đi, tôi phát hiện không thấy thẻ ngân hàng có tiền tiết kiệm đâu.
Tôi đoán được rằng anh ta sẽ lấy số tiền đó để trả nợ ngân hàng, chuẩn bị cho việc sang tên nhà.
Vừa đáp máy bay đến Ninh Thị, tôi lập tức bắt taxi đến ngân hàng làm thủ tục báo mất thẻ và cấp lại.
Mà khi Chu Hạo không có tiền, phương án tiếp theo chắc chắn là vay bạn bè.
Những người bạn thân của Chu Hạo tôi đều biết – họ tuy chơi thân nhưng điều kiện kinh tế chẳng có ai khá giả.
Thế nên, trước khi đi công tác, tôi đã chủ động gọi điện cho từng người để… mượn tiền trước.
Miệng thì nói là đi mượn tiền, nhưng từng câu từng chữ tôi đều ngầm ám chỉ rằng công ty mới lập của Chu Hạo hiện đang gặp vấn đề về dòng tiền, số tiền mượn có lẽ sẽ khó hoàn trả trong thời gian ngắn.
Mấy người bạn vừa nghe thấy tình hình chúng tôi khó khăn như vậy thì ai cũng do dự, không ai dám liều lĩnh cho vay một khoản lớn như thế.
Trước khi cúp máy, tôi còn không quên căn dặn họ:
“Chu Hạo là người sĩ diện, dù có khó khăn cũng sẽ không mở miệng nhờ đến các anh. Nên các anh đừng tiết lộ là tôi đã liên lạc trước, kẻo anh ấy lại giận.”
Vì họ cũng không giúp được gì nên càng ngại nói ra chuyện này với Chu Hạo.
Thế là nếu về sau anh ta thật sự đi vay mượn, e rằng sẽ liên tục bị từ chối.
Trong lúc tôi đang công tác ở Ninh Thị, Chu Hạo gọi điện cho tôi.
Anh hỏi vì sao thẻ ngân hàng của tôi bị khóa.
Tôi chỉ nói rằng tưởng bị mất nên đến ngân hàng báo khóa và làm lại.
Khi tôi hỏi ngược lại xem anh cần tiền làm gì, anh liền chuyển chủ đề.